|
2 năm sau các sự kiện trong Dawn of the Planet of the Apes (2014), Caesar (Andy Serkis) và đồng loại đã trải qua một cuộc chiến ác liệt với con người. Anh tha mạng cho các tù binh để đổi lấy hòa bình. Song, Colonel (Woody Harrelson) đã đột nhập và giết chết vợ cùng con trai cả của thủ lĩnh loài khỉ. Caesar quyết tâm đuổi theo tiêu diệt Colonel nhằm trả thù cho bản thân và cũng để bảo vệ giống loài. Trên đường đi, anh phát hiện ra nhiều bí ẩn liên quan đến sự tồn vong của cả hai chủng tộc.
Tác phẩm tâm lý chiến xuất sắc
Có tựa đề là “chiến tranh” nhưng War for the Planet of the Apes lại tập trung khai thác tâm lý ở hai đầu chiến tuyến. Bộ phim đã nêu rõ rằng, chiến tranh không chỉ có những trận đánh mãn nhãn và hoành tráng mà còn là những mất mát, đau thương ở cả hai phe. Caesar lẫn Colonel đều chịu nỗi đau mất đi người thân yêu nhất. Họ khiến người xem phải đồng cảm và rơi nước mắt vì những cảm xúc cơ bản nhất. Đó có thể là những cảm xúc bộc phát của Caesar khi nhìn thấy vợ và con trai bị sát hại hay câu chuyện đẫm nước mắt của Colonel khi phải hi sinh chính đứa con trai duy nhất của mình. Song, cái cách mà cả hai đối diện với nỗi đau và tiếp tục cuộc chiến lại khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Qua ba phần phim, loài khỉ ngày càng nhân văn hơn và sở hữu những phẩm chất đáng có của một kẻ thống trị thực sự. Khởi đầu từ sự đoàn kết giữa những con vật bị loài người đối xử tàn tệ, khỉ dưới sự dẫn dắt của Caesar đã hình thành một hệ thống tư tưởng riêng như: không bao giờ giết đồng loại, thậm chí là những kẻ phản bội. Sang đến tác phẩm mới nhất, chủng tộc chiến đấu chỉ để bảo vệ giống loài và luôn hướng đến hòa bình. Caesar dù bị mất đi người thân nhưng lại chọn tự mình giết Colonel. Anh không hề đẩy giống loài vào một cuộc chiến đẫm máu hay căm ghét cả loài người vì hành động của một cá nhân.
Đối nghịch với đó, những mặt đen tối của con người ngày càng lộ rõ. Đối mặt với nghịch cảnh, nhân loại luôn chọn cách tàn bạo nhất để sinh tồn. Họ đổ lỗi cho giống loài khác vì những virus do chính mình tạo ra. The Colonel theo đuổi cuộc chiến tàn khốc với khỉ vì những nỗi đau của riêng mình. Thậm chí, hắn ta còn nhẫn tâm tàn sát luôn những ai chống đối. Hành động của tay đại tá tàn ác này đại diện cho nỗi sợ sâu thẳm của nhân loại rằng: một ngày nào đó, chúng ta sẽ mất đi vị thế thủ lĩnh của hành tinh này. Nhưng liệu với bản chất đó, con người hay loài khỉ mới xứng đáng là kẻ đứng đầu?
Trong bối cảnh đó, cô bé Nova (Amiah Miller) trở thành đại diện cho những phần nhân tính bé nhỏ còn sót lại. Sự ngây thơ, dũng cảm và vị tha của Nova là những thứ lẽ ra con người phải có để xây dựng hòa bình. Nực cười thay, cô bé bị loài người chối bỏ vì mang trên mình thứ virus chết người lại chính là những gì tốt nhất của nhân loại. Xây dựng hai nhân vật với hai tâm lý trái ngược như Caesar và Colonel chính là thành công của War for the Planet of the Apes. Dù thời lượng dài và hiếm những cảnh chiến đấu hoành tráng nhưng người xem khó rời mắt khỏi màn hình bởi những cảm xúc và tình tiết đan xen mà tác phẩm mang lại.
Kỹ xảo ấn tượng
Kể từ khi ra mắt, loạt phim “Hành Tinh Khỉ” luôn đi đầu trong việc sử dụng công nghệ “mô phỏng chuyển động” và luôn có tên trong danh sách đề cử Oscar cho kỹ xảo điện ảnh. Với War for the Planet of the Apes, các nhà làm phim đã tiến thêm một bước dài trong trong việc mang tới trải nghiệm chân thật cho người xem. Những chuyển động và tạo hình của loài khỉ trong phim trở nên mượt mà, sống động hơn hẳn. Bộ phim không thiếu những cảnh quay cận độc đáo. Từng sợi lông, từng ánh mắt, biểu cảm trên gương mặt của Caesar và đồng loại được thể hiện một cách rõ nét. Ngoài ra, những cảnh đánh nhau tuy ít nhưng đều mãn nhãn và thể hiện được sự ác liệt của cuộc chiến.
Cũng nhờ kỹ xảo phát triển mà diễn xuất của “khỉ” được thể hiện rõ rệt hơn. Andy Serkis tiếp tục thể hiện sự xuất sắc khi hóa thân thành thủ lĩnh của loài khỉ. Người xem dễ dàng cảm nhận được nỗi đau, sự giằng xé tâm lý và quyết tâm trả thù của Caesar qua ánh mắt hay biểu cảm của anh. Woody Harrelson hơi đuối so với bạn diễn nhưng vẫn tròn vai một tay đại tá tàn nhẫn với quá khứ bi thương. Cô bé Nova là một điểm sáng của phim dù không hề có lời thoại. Diễn xuất tự nhiên, nhẹ nhàng của diễn viên nhí Amiah Miller là một làn gió mát giữa không khí ngột ngạt của tác phẩm.
Nhìn chung, War for the Planet of the Apes chính là một trong những bom tấn cảm xúc nhất mùa hè này. Phim hiện đang công chiếu trên toàn quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét