|
Là tác phẩm điện ảnh đầu tay do Hồng Vân sản xuất và Hoàng Tuấn Cường làm đạo diễn, Xóm Trọ 3D gây bất ngờ bởi lối kể chuyện duyên dáng, hài hước nhưng vô cùng xúc động trước những mảnh đời bi kịch của cộng đồng giới tính thứ 3.
Chuyện phim xoay quanh một khu trọ nơi “trai thẳng không cho thuê”. Để được vào ở, Phong (Huy Khánh) buộc phải giả làm “trai cong”. Tại đây, anh có dịp tiếp xúc cùng những con người thuộc giới LGBT đáng yêu, chân thành và tốt bụng. Đó là má Lâm (Minh Nhí) giàu lòng nhân hậu và luôn bảo bọc cho những người xung quanh mình cùng những đứa con nuôi mỗi người một số phận: Lệ (Xuân Nghị) phải đi hát rong ngoài đường xó chợ, Như Ý (Thái Duy) chuyên trang điểm dạo cho dân trong xóm và gái làng chơi, Bảo Bảo (Hoàng Linh) chật vật với công việc diễn viên quần chúng và Tú (Nam Cường) chuyên bán đồ si đa nhưng mang khát khao được trở thành nhà thiết kế thời trang. Phong dần có tình cảm với cô em gái cá tính của má Lâm – Na (Maya) và khám phá được những góc khuất nơi xóm trọ ngập tràn tiếng cười này.
Thoạt nhìn, cái tên Xóm Trọ 3D có thể khiến người xem liên tưởng tới những bộ phim “hài nhảm” đặc trưng của phim Việt. Song, đây lại là một trong số ít những tác phẩm chỉn chu và có chất lượng vượt trội. Nếu như Dạ Cổ Hoài Lang cách đây ít lâu chưa thể tạo ra sự khác biệt giữa ngôn ngữ điện ảnh và kịch thì Xóm Trọ 3D đã làm điều này tốt hơn hẳn. So với nguyên tác, bộ phim đã đưa thêm vào nhiều tình tiết mới và tận dụng tốt việc sử dụng ngoại cảnh.
Chỉ với một cú máy dài ở đầu phim, toàn bộ hình ảnh của khu xóm trọ khác người được hiện lên một cách chi tiết và đầy sống động. Có thể thấy, bộ phim đầu tay của Hồng Vân là một trong số ít tác phẩm nói về cuộc sống của những người nghèo nằm ngay giữa Sài Gòn hoa lệ. Xóm Trọ 3D nói lên được sự gần gũi, chất đời của các nhân vật từ lời thoại cho tới hành động. Bên cạnh câu chuyện về giới tính, tình yêu, họ luôn bị gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền chi phối và có cách hành xử đặc trưng của những người lao động nghèo.
Người xem dễ dàng cảm nhận được cái “tình làng nghĩa xóm”, sự đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời bất hạnh nơi đây. Không những bị xã hội, gia đình chối bỏ, họ còn phải đối mặt với những món nợ “lãi mẹ để lãi con” hoài không hết và sự tàn nhẫn của những băng nhóm bảo kê tại khu chợ nghèo. Những con người giới tính thứ 3 này phải dựa vào nhau mà sống. Dù cuộc cuộc sống có vất vả, tủi nhục, khu xóm trọ này vẫn luôn đầm ấm và ngập tràn tiếng cười. Dù không cùng dòng máu, nhưng họ là một gia đình thật sự.
Kịch bản của bộ phim không hề mới. Song, cách thực hiện của Hoàng Tuấn Cường đã tạo nên một tác phẩm đầy cuốn hút. Vị đạo diễn hải ngoại đã sử dụng những pha cắt cúp gãy gọn, tinh tế để mang đến sự hài hước mới lạ cho tác phẩm. Nhịp phim nhanh, các tình tiết nối tiếp nhau lớp lan, phần chuyển cảnh mượt mà, thông minh là những yếu tố khiến người xem khó có thể rời mắt khỏi màn hình. Thêm vào đó, sự lồng ghép rất nhiều chi tiết “hot” trong giới trẻ hiện nay như vị đạo diễn Kong với bộ râu đặc trưng, những câu thoại “bá đạo”,… khiến bộ phim trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Suốt thời lượng gần 2 tiếng của mình, Xóm Trọ 3D đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là tiếng cười và những giọt nước mắt đan xen bởi sự hài hước của những nhân vật mang giới tính thứ 3 ở khu xóm trọ nghèo và những nỗi đau mà họ gặp phải trong cuộc sống. Để rồi khi đang mỉm cười vì cái kết mỹ mãn, người xem phải bật khóc lần nữa khi biết rằng ngoài xã hội vẫn còn rất nhiều số phận bất hạnh và đầy mơ ước, hoài bão như các nhân vật trong phim.
Tác phẩm của Hồng Vân có cách xây dựng nhân vật rất hay khi nam lại yếu đuối còn nữ thì rất rắn rỏi. So với Lô Tô, người viết thích cách thể hiện những nhân vật đồng tính trong Xóm Trọ 3D hơn hẳn. Họ có sự duyên dáng và tiết chế trong cách diễn chứ không hề cố tình gào thét hay làm lố. Từng lời thoại và cử chỉ của các nhân vật đều rất tự nhiên và tinh tế. Đôi lúc, khán giả sẽ tự hỏi liệu các diễn viên này có thật sự “bóng” hay chỉ là diễn xuất.
Bộ tứ Lệ, Như Ý, Bảo Bảo và Tú đóng vai trò chính trong việc điều phối cảm xúc người xem. Mỗi người trong số họ đều có một tính cách và số phận rõ rệt. Nam Cường xuất sắc trong lần đầu hóa thân thành nhân vật đồng tính. Anh khiến khán giả phải rơi lệ vì bị cha từ mặt bởi giới tính đặc biệt của mình. Xuân Nghị gây ấn tượng bởi chất giọng miền Trung duyên dáng còn Thái Duy thì đẹp hút hồn trong việc giả gái.
Ngoài ra, Xóm Trọ 3D còn có sự xuất hiện của bộ tứ “lão làng” Hồng Vân, Minh Nhí, Anh Vũ, Việt Hương. Có thể thấy, cách diễn của họ đều có sự thay đổi để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh chứ không “lố” như trên sân khấu kịch. Minh Nhí, Anh Vũ thể hiện rõ nét hình ảnh của những người đồng tính đứng tuổi. Họ trải qua đủ nỗi đau để thông cảm với những người có số phận tương tự và xa cách với phần còn lại của thế giới.
Trái ngược với đó là sự tàn nhẫn, bạo lực của Việt Hương và Hồng Vân. Trong vai hai tay giang hồ cộm cán, cặp đôi nữ nghệ sĩ cho thấy những góc khuất của xã hội. Những tay bảo kê máu lạnh, không từ thủ đoạn độc ác nhất để bóp nghẹt cuộc sống của người lao động nghèo.
Nếu Kaity – Kiều Minh Tuấn là cặp đôi “chưa 18” nhưng mang tới thứ tình yêu “già dặn”, thì Huy Khánh – Maya lại là cặp đôi “trên 18” nhưng có câu chuyện tình yêu đầy ngô nghê. Cặp đôi có sự hoán đổi “giới tính” rất dễ thương và thú vị, một chàng trai giả “bóng” để vào xóm trọ và một cô gái cố gắng mạnh mẽ để bảo vệ người anh trai. Những rung động đầu tiên đầy khờ dại, những cảm xúc bồi hồi, bẽn lẽn khi lần đâu chạm ngõ tình yêu của cặp đôi khiến người xem thầm mỉm cười khi nhớ đến câu chuyện của chính bản thân mình. Mối tình dễ thương, lãng mạn của Phong – Na là mảnh ghép cuối cùng giúp Xóm Trọ 3D trở nên hoàn hảo.
Xóm Trọ 3D hiện đang công chiếu trên toàn quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét