Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

ĐỘI QUÂN CẢM XÚC

  • Phim vui và hợp với trẻ nhỏ.
    Không tệ như “người ta nói”.
    Nắm bắt được “tim đen” của cộng đồng mạng, hãng Sony cho ra đời bộ phim hoạt hình 3D The Emoji Movie (Tựa Việt: Đội quân cảm xúc), do đạo diễn Kung Fu Panda: Secret of The Masters Tony Leondis đảm nhận.
    Khi đời sống ngày càng hiện đại hóa – “quá hại điện” như hiện nay, cộng thêm việc smartphone thì tràn ngập khắp túi quần, từ trẻ trâu đến người già nhu cầu “sống ảo” đều tăng đột biến, họ không còn muốn chạm nhau một giây để nhớ nhau một đời nữa. Thay vào đó họ ngồi lỳ một chỗ và cắm mặt vào thế giới ảo, họ thể hiện cảm xúc của mình cho đối phương biết bằng các icon, sticker mà các ứng dụng đã trang bị sẵn.
    Gene (do T.J.Miller lồng tiếng) là một cư dân của thế giới Emoji. Không những thế, gia đình cậu vốn được lập trình chỉ để trở thành biểu tượng /: nhằm thể hiện sự nhàm chán. Nhưng có vẻ như Gene đã “dậy thì” thất bại, khi bản thân có thể biểu hiện quá nhiều trạng thái khác biệt.
    Như vầy mới đúng
    Nhưng mà lại thành như vầy
    Trong lần đầu tiên ra mắt công chúng, thay vì phải thể hiện cảm xúc “nhìn mặt bố quan tâm lắm à?”, thì với tâm sinh lý không ổn định, Gene đã bị “rối não” và gây thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ hệ thống Emoji. Chính vì điều này, Gene đã bị Smiler :D  – “má mì” của cả hệ thống, cho rằng đây là một phiên bản lỗi và buộc phải tiêu hủy.
    Khi Gene bắt đầu chạy trốn, may mắn rằng cậu không hề đơn độc. Tác phẩm đề cao tinh thần đồng đội khi cậu gặp gỡ thanh niên “siêu lầy” Hi-5 và nàng hacker “cool lòi” Jailbreak (được lồng tiếng bởi Anna Faris). Dưới sự truy đuổi ráo riết của lũ Bots - thuộc hạ của Smiler, cả ba “đưa nhau đi trốn” với nhiều tình tiết dở khóc, dở cười, đầy kịch tính nhưng không kém phần hài hước.
    Cả hệ thống Emoji được hãng Sony phóng đại lên thành một thành phố 3D tuyệt đẹp, với hàng triệu icon sinh sống trong đó. Mỗi icon đều có tên gọi theo hình tượng hoặc cảm xúc đã được định sẵn và buộc mỗi icon phải thể hiện đúng theo cảm xúc đó.
    Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những ứng dụng quen thuộc như Facebook, Twitter, Instagram, Dropbox, Candy Crush,… hay là video đình đám một thời “PPAP” cũng được xuất hiện rất rõ nét qua ứng dụng Youtube. Mà có vẻ phim này hơi thiên vị người dùng smartphone, trong khi các biểu tượng cảm xúc vốn có từ thời Yahoo, có khi trẻ em ra đời cũng nhờ bố mẹ bạn từng dùng đúng icon để “thả thính” nhau đấy :3
    *meh* Có lẽ việc PR lồ lộ này đã giúp hãng Sony thu về một khoản kha khá :))
    Bộ phim đã đưa ra những hình ảnh rất quen thuộc, đáng yêu, cùng tình tiết vui nhộn, hài hước, mang đầy tính giải trí. Đồng thời, phim sử dụng bài hát “Feel This Moment” của Pitbull và Christina Aguilera làm nhạc phim vào đúng thời điểm, làm cho người xem rất hào hứng và “chill” theo nhạc, đây có thể được xem là một điểm cộng cho phim \m/
    Một thông điệp cũ kỹ
    Việc sống theo suy nghĩ, thể hiện đúng với cảm xúc của chính mình, hay nói kiểu sang chảnh hơn là Sống là chính mình, là điều không hề dễ dàng và Gene là một ví dụ điển hình. Thông điệp này liệu khi đưa vào phim hoạt hình dành cho các trẻ nhỏ, có phải là quá tầm với và khó “thẩm thấu” với các em không?
    Hoặc nếu nó dành cho người lớn thì Sống là chính mình là phải sống thật, sống với con người thật, việc thật, chứ sống thật trên một thế giới ảo, thì e là có gì đó hơi sai sai rồi nha…
    Thông điệp của phim còn hơi cũ kỹ và giáo điều
    Có lẽ hãng Sony đang muốn “ôn lại” các emoji từng đình đám một thời trên Yahoo. Tuy nhiên, họ đã quên mất rằng, người dùng hiện nay, họ “sống ảo” nhưng họ “có não” và họ ưa thích sử dụng các sticker muôn hình vạn trạng, đặc biệt là nó “động” hơn là các emoji cứng đơ và chỉ thể hiện một cảm xúc :(
    Hãng Sony tính chơi trội?
    Dù là một trong những ý tưởng được cho là độc mà lạ, nhưng lạ mà quen, hãng Sony đã phải chịu nhiều lời phê bình “cạn ý tưởng” khi làm một bộ phim không có tính sâu sắc. Song, từ trước khi ra mắt, phim cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm của những người thích “sống ảo”. Tác phẩm hiện tại chỉ nhận được 1 sao trên tổng 10 từ trang đánh giá phim IMDB, cũng như bị giáng xuống đầu con số kịch kim là… 0% tại trang Rotten Tomatoes. Tại sao vậy nhỉ? :-?
    Căng chưa... Nhưng giờ là 8% sau 1 tuần chiếu tại Bắc Mỹ rồi, cũng đỡ đỡ
    Trong khi đó, phản ứng của những khán giả thực sự ra rạp khá tích cực. Phần lớn đều thừa nhận rằng bộ phim thiếu tính nguyên bản, có cốt truyện vay mượn từ hàng loạt các bộ phim hoạt hình trước đây, mà điển hình nhất là Wreck-It Ralph. Thế nhưng, những đứa trẻ vẫn có thể cười to, và phụ huynh của các bé cũng có được cho mình gần hai tiếng “nhẹ gánh” - chẳng phải đó chính là sự thành công của một tựa phim hoạt hình hay sao? *meh*
    Phải chăng, cả nước Mỹ đang đồng loạt dìm hàng The Emoji Movie, chỉ vì hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội. Nếu muốn đưa ra những nhận xét công bằng, hãy thực sự trải nghiệm. Cũng không ai bắt khán giả phải biết làm phim mới được chê phim, nhưng muốn chê phim cứ phải đi xem phim cái đã!
    Nếu bạn không phải là một thánh “soi” hay một thanh niên nghiêm túc, thì đây cũng là một bộ phim đáng để các thanh niên dắt “gấu” hay các mẹ hết “bỉm sữa” dắt con mình đi xem để giải trí cuối tuần, âu cũng là một quyết định hay đó chứ! :D

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét