|
Trước khi đến với công chúng Việt Nam, Đảo Của Dân Ngụ Cư đã có một hành trình dài ra mắt khán giả quốc tế tại Liên hoan phim Cannes 2017, Tuần lễ phim Việt tại Tây Ban Nha và Liên hoan phim Quốc tế ASEAN - nơi bộ phim được vinh danh với 3 giải thưởng quan trọng cho Phim hay nhất, Nam diễn viên xuất sắc nhất và Đạo diễn hình ảnh. Sau 21 năm gắn bó cùng nghiệp diễn, đây là lần đầu tiên Hồng Ánh đứng trên cương vị đạo diễn. Mang hơi hướng nghệ thuật, dự án đầu tay ấp ủ 10 năm của “cô giáo Giao” trong Thung Lũng Hoang Vắng ngày nào cho người xem nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc mà nổi bật nhất là khát vọng tự do cùng yêu thương của những phận người.
Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên có nội dung đầy ám ảnh của nhà văn Đỗ Phước Tiến, Đảo Của Dân Ngụ Cư xoay quanh cuộc sống ở nhà hàng Đêm Trắng của một gia đình gốc Hoa chuyên kinh doanh các món thịt dê. Mỗi người lại là một mảng cá tính khác biệt nhau, ông chủ gia đình (Hoàng Phúc) khắc nghiệt, bạo lực và gia trưởng, người vợ Xiểm Hoa (Ngọc Hiệp) cam chịu, phục tùng trong im lặng, cô con gái Chu (Ngọc Thanh Tâm) đang tuổi xuân nhưng vì đôi chân khuyết tật nên đành chịu đựng cảnh “cá chậu chim lồng”.
Quán Đêm Trắng còn có ba người làm thuê, Ahmed theo đạo Hồi, lặng lẽ như cái bóng (Hoàng Nhân), Miên (Nhan Phúc Vinh) hoang dã, bản năng, và Phước (Phạm Hồng Phước), người dẫn chuyện, một cậu trai trẻ măng, sau những ngày lang thang vô định đã dừng chân ở nhà hàng như một định mệnh. Nói là định mệnh, vì sau những gì xảy ra ở Đêm Trắng, chàng trai có nụ cười hồn nhiên ấy đã mất đi khả năng cảm nhận niềm hạnh phúc.
Là ngôi nhà của những mảnh đời khác biệt, ai cũng ấp ủ những nỗi niềm riêng, Đêm Trắng tấp nập, ồn ào khi kinh doanh bao nhiêu thì trong sinh hoạt thường ngày lại nặng nề và ngột ngạt bấy nhiêu. Dường như ngôi nhà cổ rộng lớn chỉ có sinh khí khi những thực khách đến chén tạc chén thù, còn sau đó khi khách khứa rời đi, sự lặng lẽ và u uẩn lại như một bức màn vô hình phủ xuống mọi ngóc ngách.
Trong không gian ấy, người ta dường như cũng quên mất chuyện mưu cầu hạnh phúc, bởi với Ahmed, Miên hay Phước, niềm vui đã thu lại đơn giản thành việc ngã lưng xuống giường sau một ngày lao động quần quật, với Chu, đó là chơi với những con thú nhỏ bằng nhựa trong gian phòng kín, còn với ông chủ gia đình, đó lại là cảm giác thoả mãn khi tất cả mọi việc, mọi người trong nhà đều theo đúng như sự kiểm soát chặt chẽ đến cực đoan của ông.
Những khung hình quay cận, theo sát quá trình làm dê đẫm máu của các thanh niên hay cảnh người cha đều đặn thức giấc giữa đêm đi kiểm tra phòng con gái được lặp đi lặp lại, dần dần tạo nên một cảm giác bế tắc xuyên suốt. Đêm Trắng tựa như một ốc đảo của những tâm hồn trôi dạt, nhưng họ không thể cho nhau sự giải thoát. Căn phòng của Chu, cô gái trẻ với những khát khao rất bản năng, rất bình thường, không khó để hai chàng trai Miên lẫn Phước tiến vào, nhưng lại không một ai nghĩ đến chuyện giải thoát cô khỏi bốn bức tường im lặng. Người cha yêu con, đối xử và chăm sóc con gái như với một đứa trẻ mong manh dù con đã trưởng thành, không nhận ra tình thương áp đặt của ông không đem đến cho Chu hạnh phúc mà chỉ bào mòn thêm tâm hồn vốn đã u uất của cô. Chịu cảnh “giam lỏng” trong căn phòng, từng ngày nhìn tuổi xuân mòn mỏi trôi qua như những áng mây ngoài cửa sổ, nhưng Chu cũng chưa một lần lên tiếng phản kháng hay giãi bày những mong muốn đích thực của mình. Tiếng hát của cô gái trẻ thỉnh thoảng lại cất lên, ám ảnh người xem, như tiếng gọi tự do, gọi tình yêu mãi không có hy vọng.
Như cả bộ phim, cảnh nóng cũng diễn ra đầy cảm xúc và đậm tính nghệ thuật. Chỉ có trên chiếc giường nhỏ hẹp, khi gần gũi cùng những thân thể thanh niên hừng hực sức sống, Chu mới cảm nhận được rõ ràng tuổi xuân phơi phới của mình. Không chút e dè hay kiềm nén, những cảnh yêu đương nóng bỏng với hình ảnh và âm thanh táo bạo đã lột tả sống động ham muốn được yêu thương cùng khát khao tự do từ đáy lòng của nhân vật, hơn bất kỳ câu thoại nào. Chuỗi “đêm trắng” cùng Miên hay Phước là cách duy nhất Chu tự giải phóng cho bản thân, rũ bỏ những ẩn ức tâm lý đã đeo bám cô bấy lâu nay trong ngôi nhà cũ kỹ. Trong khi đó, những cảnh giường chiếu của người cha với vị thế chủ gia đình, đã quen coi vợ như người hầu, chỉ sử dụng vợ như một công cụ để ông phát tiết ham muốn hay những cơn giận dữ, lại khiến khán giả cảm thấy đau đớn và bẽ bàng cho nhân vật.
Có một điều rất rõ ràng là Đảo Của Dân Ngụ Cư không phải kiểu phim làm người ta dễ chịu, nhưng mang đến cảm giác không thoải mái cùng trăn trở cũng là nhiệm vụ của nghệ thuật. Đảo Của Dân Ngụ Cư miêu tả trần trụi những nỗi đau, phơi bày những góc khuất của sự cô đơn một cách tinh tế, để khi xem xong mỗi người đều có thể lắng đọng, có những suy nghĩ riêng cho mình về tự do và hạnh phúc khi được sống đúng bản năng của con người.
Phim hiện đang được chiếu trên toàn quốc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét