Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

DÁNG HÌNH THANH ÂM


  • Tinh tế, nhẹ nhàng nhưng không kém phần xúc động

  • Phong cảnh nước Nhật đẹp mỹ lệ trong từng khung hình

  • Không bao giờ là quá muộn để nói lời xin lỗi

Cùng với Your NameA Silent Voice (Koe no Katachi/Dáng Hình Thanh Âm) là một trong hai anime được quan tâm nhiều nhất năm 2016. Ngay cả đạo diễn của Your Name, Makoto Shinkai cũng dành nhiều lời có cánh cho bộ phim đặc biệt này. Nhẹ nhàng mà day dứt, nên thơ mà không xa rời thực tại, tác phẩm của Kyoto Animation không chỉ xoay quanh câu chuyện bắt nạt học đường vốn đã quen thuộc mà còn đi xa hơn và để lại nhiều dư vị ấn tượng.
Dồn nội dung của 7 tập manga vào một bộ phim 2 tiếng không phải là một công việc dễ dàng, và A Silent Voice không tránh khỏi điểm yếu. Tiết tấu phim chậm rãi nhưng càng về cuối lại càng gấp gáp và dồn dập, đôi chỗ dễ làm khán giả cảm thấy chưa thỏa đáng. Ngoại trừ điều này, có thể nói A Silent Voice xứng đáng với những lời khen ngợi.
Giai đoạn coming-of-age, hay còn được biết đến như thời kỳ biến chuyển tâm lý để trưởng thành là một đề tài ưa thích của các nhà làm phim. Từ góc nhìn của nam chính Shoya Ishida, A Silent Voice như một lăng kính thú vị cho phép người xem mường tượng rõ nét cuộc sống của một học sinh Nhật Bản từ thời tiểu học cho đến trung học. Có cảm giác khi ở Nhật, không muốn đi học là chuyện “không tưởng” vì chỉ cần bước ra đường thôi là đã được chiêm ngưỡng quá nhiều điều tươi đẹp.
Bộ phim đã cho khán giả thưởng thức một bữa tiệc thị giác sống động với hàng loạt khung cảnh đậm tính thẩm mỹ. Thật khó để không ngất ngây trước màu hồng huyền ảo của những tán hoa anh đào nở rộ, sắc xanh trong veo của bầu trời mùa hạ hay cánh đồng hoa hướng dương rực rỡ. Ngay cả các chi tiết nhỏ như ánh nắng lấp lánh hay những hạt mưa cũng được vẽ vô cùng trau chuốt và tỉ mỉ để làm bật lên nét đẹp bình yên đặc trưng của miền quê Nhật Bản. Phần âm nhạc với những giai điệu piano êm ái cũng góp phần làm nên không gian thơ mộng của A Silent Voice. 
Đối lập với cảnh thiên nhiên đẹp như mơ là thế giới ít màu hồng, nhiều góc tối của học sinh Nhật, mà ở đó tình trạng bắt nạt đã trở thành một vấn nạn đau lòng thực sự. Bắt nạt không chỉ đơn thuần là những hành vi trêu chọc hay quậy phá – đó là điều ngay từ thời tiểu học cô bé khiếm thính Shoko Nishimiya đã hiểu rõ hơn ai hết. Những người bạn cùng lớp có đủ mọi hình thức tinh vi, từ cô lập, nói xấu đến các trò nghịch tai ác do cậu bé Shoya Ishida cầm đầu, và đỉnh điểm là khi được giáo viên đề nghị học ngôn ngữ tay của người khiếm thính để Shoko dễ hòa nhập hơn, gần như cả lớp đã từ chối. Suốt một phần ba của phim, người xem không khỏi xót xa khi thấy một Shoko nhút nhát và mang mặc cảm tự ti cố gắng kết bạn, nhưng sau cùng đã phải chuyển trường vì không chịu được tổn thương. 
Đây cũng là bước ngoặt dẫn đến những thay đổi trong cá tính lẫn cuộc sống sau này của Shoya Ishiya. Từ một cậu bé nghịch ngợm, vô tư đến hời hợt, luôn có bạn bè xung quanh, Shoya trở thành người bị bắt nạt, bị quay lưng, phải trải nghiệm những điều tồi tệ như cậu đã từng làm với Shoko. Lớn lên cùng cái danh “kẻ bắt nạt”, Shoya trở nên mặc cảm, cậu chẳng dám nhìn thẳng vào mắt ai, không dám mơ đến chuyện có được một người bạn. Shoya của thời cấp ba mãi bị ám ảnh với những vết thương lòng đã gây ra cho cô bạn cũ, sự cô lập của bạn bè, cùng tiếng xấu mẹ đã phải chịu vì cậu. Bộ phim đã thể hiện ẩn dụ một Shoya khép lòng với thế giới bên ngoài qua việc cậu luôn thấy những chữ X đè kín khuôn mặt mọi người xung quanh, cũng như cậu không nghe rõ bạn bè nói gì ngoài những tiếng động xôn xao.
Mùa xuân, hoa anh đào bước vào những ngày bừng nở rực rỡ nhất, kế hoạch tự sát để đặt dấu chấm hết cho cuộc đời không chút ý nghĩa của Shoya cũng đã chín muồi, chỉ cần hoàn thành thêm “nghi thức” tìm gặp cô bạn từng là nạn nhân của cậu ngày xưa. Shoya không ngờ rằng gặp lại Shoko, đối mặt cùng những người bạn ngày trước lẫn mở lòng với những tình bạn mới đã làm cậu thay đổi.
Rõ ràng đến đây đề tài bắt nạt học đường trong A Silent Voice đã trở thành yếu tố phụ, nhường chỗ cho những mông lung về tuổi trẻ, nỗi day dứt từ một quá khứ hằn sâu những vết thương mãi không lành, cùng sự ám ảnh lạ thường với cái chết. Đây vốn là những chủ đề quen thuộc trong văn học lẫn điện ảnh Nhật Bản, và nữ đạo diễn Naoko Yamada với sự nhạy cảm của mình đã thể hiện chúng vừa nên thơ, vừa rất thực trên màn ảnh. Thời thanh xuân là những tháng ngày sóng gió với các cô cậu thiếu niên, vì khi đó họ đều loay hoay với ngàn câu hỏi: Mình là ai, mình muốn gì, mình phải sống vì lẽ gì, và cả bối rối vì những rung động đầu đời. Những diễn biến tâm lý phức tạp của quãng thời gian rất đẹp mà đồng thời cũng rất dễ xảy ra bi kịch ấy đã được nắm bắt và thể hiện tinh tế trong những thước phim giàu xúc cảm của A Silent Voice. 
“Xin lỗi” có lẽ là câu thoại vang lên nhiều nhất xuyên suốt bộ phim, và ở nhiều đoạn, khán giả không khỏi cảm thấy bất lực với nỗi niềm lẫn cách hành xử của các nhân vật – những người còn rất trẻ, nhưng đã sớm cảm nhận được sức nặng của hai từ “quá khứ”, của những lầm lỗi dại khờ. Kết thúc của A Silent Voice có thể nói là mang nhiều màu sắc hy vọng, khi mà ở thời điểm đó, chàng trai đa sầu đa cảm Shoya đã chịu mở lòng để những dấu X trong đám đông tan biến. Không còn là tiếng động xôn xao rì rầm, những thanh âm của cuộc sống nay đã vang lên rõ ràng hơn bao giờ hết, báo hiệu một khởi đầu sáng sủa hơn cho Shoya và các bạn.
Suy cho cùng, khi đang trẻ trung, còn đang được loay hoay cùng sách vở, cuộc sống vẫn nên giản đơn và trong trẻo. Như cái cách anh chàng Shoya cảm thấy cả thế giới chợt đổi thay tươi mới đến lạ lùng, khi cô bạn Shoko bất ngờ cột tóc lên…
Phim đang được công chiếu trên toàn quốc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét