Sau cuộc tẩu thoát trong Dunkirk, trong năm nay khán giả yêu thích dòng phim chiến tranh lại tiếp tục được thưởng thức một tác phẩm nữa cũng có bối cảnh Thế chiến thứ 2, xoay quanh một kế hoạch chạy trốn là Battleship Island (tựa tiếng Việt: Đảo Địa Ngục). Là một trong những bộ phim Hàn Quốc có kinh phí sản xuất cao nhất năm 2017, quy tụ dàn diễn viên tên tuổi Hwang Jung-Min, So Ji-sub, Song Joong-ki, Battleship Island hội tụ đầy đủ các yếu tố để làm khán giả phải trông đợi. Cuộc đào thoát của 400 nô lệ Triều Tiên khỏi hòn đảo Hashima mang đến nhiều cảm xúc, nhưng khó lòng để gọi đây là một bom tấn lịch sử thực sự ấn tượng về nội dung hay có góc nhìn đa chiều.
Battleship Island hé lộ một chương đen tối trong lịch sử, giai đoạn gần cuối Thế chiến thứ 2, khi cuộc sống của người dân Triều Tiên trên hòn đảo Hashima dưới ách đô hộ của phát xít Nhật không khác nào địa ngục. Trẻ em hay người lớn, đàn ông hay đàn bà, tất cả đều phải chịu đựng điều kiện sống tồi tệ và bị bóc lột sức lao động. Dù đồng lương đã rất rẻ mạt, họ vẫn bị ăn chặn trong khi công việc khai thác than lại vô cùng khổ sở, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Dưới sự kiểm soát khắc nghiệt đến mức tàn bạo của ban quản lý người Nhật, số phận của những người dân Triều Tiên dường như không có lối thoát. Mọi nỗ lực chạy trốn khỏi đảo đều bị phát hiện và trừng phạt. Tia hy vọng duy nhất của hơn 400 người lao động Triều Tiên đặt vào người lãnh đạo Yoon Hak-chul, đóng vai trò thương thuyết với tầng lớp quản lý Nhật Bản.
Trong Battleship Island, cuộc sống nhục nhã, cay đắng trong địa ngục có thực Hashima được thể hiện rất chi tiết và trần trụi. Đặt chân lên đảo Hashima đồng nghĩa với việc không còn được xem như con người, phải vứt bỏ những giá trị sống lẫn chấp nhận sinh mạng của mình đặt trong tay người khác. Những cảnh tượng thanh niên lao động cực khổ, chịu bạo hành trong hầm than, phụ nữ đơn thuần là công cụ giải toả ham muốn, thậm chí các bé gái cũng phải đi hầu rượu liên tục xuất hiện, tạo nên một bầu không khí u ám và ngột ngạt.
Tông màu xám xịt chủ đạo của phim cũng góp phần khắc hoạ cuộc sống tối tăm của người lao động Triều Tiên. Ấn tượng nhất trong phần đầu của bộ phim là những cảnh quay trong hầm than bít bùng và chật chội đến ngạt thở, trong khi cảnh công nhân lao động trong tình trạng không hề an toàn, làm tiền đề dẫn đến thảm hoạ rò rỉ khí gas lại khiến khán giả nổi gai ốc.
Có 3 tuyến nhân vật chính, nhưng điểm sáng nhất của Battleship Island lại là hai cha con Kang-ok (Hwang Jung-min) và So-hee (Kim Soo-ahn) chứ không phải tuyến truyện của hai mỹ nam So Ji-sub và Song Joong-ki. Không quá khi nói rằng tình phụ tử là “xương sống” làm nên sức cuốn hút cho nội dung của Battleship Island, đồng thời nâng tầm cho cuộc đào thoát ở cuối phim trở nên hùng tráng hơn. Tình cảm quấn quýt của hai cha con dễ dàng khiến người xem đồng cảm, đặc biệt khi cả hai vẫn luôn cố gắng giữ hy vọng sống sót, trở về quê nhà bất chấp thực tại khắc nghiệt.
Hwang Jung-min đã thể hiện thuyết phục nhân vật Kang-ok, một nhạc công mà ước mơ đến Nhật “đổi đời” bằng âm nhạc đã sớm tiêu tan, nhưng ông lại không suy sụp mà rất biết thích nghi với hoàn cảnh. Động lực sống của Kang-ok là sự an toàn của con gái So-hee, chính vì thế, người cha bề ngoài thô ráp nhưng yêu thương con vô bờ đã khéo léo tìm mọi cách để hai cha con tồn tại được trong địa ngục. Tung hứng rất khéo với người cha Kang-ok là cô con gái So-hee hồn nhiên, diễn xuất tự nhiên, giàu cảm xúc của nữ diễn viên nhí Kim So-ahn làm cô bé được kỳ vọng sẽ trở thành một ngôi sao mới của điện ảnh Hàn trong tương lai.
Những cảnh bạo lực, chiến đấu trong Battleship Island diễn ra máu me, kịch tính và khá hấp dẫn, tuy nhiên cuộc tẩu thoát, cao trào của bộ phim lại có phần một chiều. Hình ảnh ban lãnh đạo người Nhật trên hòn đảo và đặc biệt là quân lính Nhật hiện lên không chỉ độc ác, tham lam mà còn kém cỏi khi thực chiến và tỏ ra quá dễ bị đánh lừa đến ngạc nhiên. Trường đoạn “xáp lá cà” giữa hai bên ở cuối phim sở hữu nhiều góc quay đẹp, thoả mãn, nhưng cảm giác đây là một tác phẩm mang tính tuyên truyền, ca ngợi dân tộc lại khá rõ.
Sự xuất hiện liên tục của nhiều cảnh tôn vinh đặc tả như xé cờ kẻ thù, những người lính thay phiên nhau lao lên hay đoạn diễn văn không cần thiết của đặc vụ Moo-young (Song Joong-ki) sau khi hạ sát “trùm cuối” của phe Nhật khiến tính chân thực được xây dựng khá tốt từ đầu phim bị sụt giảm đáng kể. Bên cạnh đó, lòng căm hận Nhật Bản của 400 người Triều Tiên được xoáy sâu, nhưng đến kết phim khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, phản ứng của họ lại “nhẹ nhàng” một cách bất ngờ.
Hai tài tử So Ji-sub và Song Joong-ki phần nào bị lu mờ trước Hwang Jung-min và Kim So-ahn. Nhân vật gangster Chil-sung của So Ji-sub xuất hiện không quá nhiều, chỉ gây ấn tượng ở cao trào tẩu thoát cuối phim, một phần cũng nhờ chuyện tình có phần “trên trời rơi xuống” cùng cô gái điếm. Tuy nhiên, các fans lâu năm của So Ji-sub vẫn “mãn nhãn” vì nhan sắc không tuổi cùng những cảnh hành động dứt khoát của nam diễn viên.
Song Joong-ki vào vai một điệp viên xuất sắc nhận nhiệm vụ đưa một yếu nhân thoát khỏi hòn đảo, sau đó cũng chính anh là người tiên phong khởi xướng cuộc đào thoát, dẫn dắt hơn 400 người Triều Tiên rời khỏi đảo Hashima. Điểm hạn chế của Song Joong-ki là ngoại hình khá trẻ trung và hiện đại, làm anh trở nên “lạc lõng” giữa một biển người khắc khổ và bối cảnh cách đây hơn 70 năm. Hơn nữa, dù nhận vai anh hùng, diễn xuất và biểu cảm của nam diễn viên cũng giới hạn, khó lòng khiến người xem cảm thấy xúc động hay ngưỡng mộ cho được.
Bỏ qua một số hạt sạn, Battleship Island vẫn là một bộ phim trau chuốt xem được của điện ảnh Hàn, phần nào thể hiện góc nhìn của người Hàn về một chương buồn trong lịch sử cùng ý chí sinh tồn mãnh liệt của 400 người nô lệ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét